3 năm My Land

Trong ba năm qua, tôi đã làm việc trong một dự án có tên là My Land, trong đó tôi cho phép bản thân có quyền lực tuyệt đối để vẽ ra thế giới theo quy tắc của riêng mình. Dự án dài hạn này chứa một loạt các bản đồ và đồ tạo tác đại diện cho một lãnh thổ tưởng tượng. Lãnh thổ này không tương ứng với bất kỳ nền văn hóa nào được biết đến trong lịch sử loài người. Nó có hệ thống logic, ngôn ngữ và đo lường riêng chỉ có hiệu lực với chính nó. Tôi coi dự án là một thí nghiệm tưởng tượng về một môi trường trong đó người xem hoàn toàn bị tách rời khỏi các kinh nghiệm cá nhân để thích nghi với các hệ thống độc đoán.

DSC_5443
[Mothermap] chụp tháng 4/2019
My Land bắt đầu với bản đồ đầu tiên [Mothermap] (Bản đồ cái) đại diện cho lãnh thổ với vũ trụ xung quanh nó. Lãnh thổ bị đóng băng giữa ngày và đêm, bên ngoài nhận thức của chúng ta về thời gian. Mặc dù dòng thời gian của My Land không tồn tại, sự sắp xếp không gian là chính xác và cụ thể. Xung quanh lãnh thổ, có bốn chân trời là ranh giới tự nhiên. Trong lãnh thổ, để dễ điều hướng, [Mothermap] sử dụng hệ thống tọa độ lưới 8×8. Mặt đầu tiên của lưới này được đánh số từ 1 đến 8, mặt còn lại từ A đến H. Hệ thống này do đó chia lãnh thổ thành 64 đơn vị không gian. Mỗi đơn vị, ví dụ như A3 hoặc G5, sau đó trở thành một bản đồ riêng. Dự án tiếp tục phát triển theo cách này.

Các công trình khác nhau có thể được tìm thấy trong lãnh thổ, ví dụ, [đập của bố] ở vị trí D5, [chòi canh] ở vị trí C1 hoặc [sa mạc] ở vị trí H3. Tại B5, Hồng Quân nổi dậy chống lại Kim Quân của Pháo đài Sáp. Có một học viện [Viện Thể tích] tại E4 nghiên cứu cấu trúc liên kết của các ngọn núi trong lãnh thổ để xác định xem chúng có phải là hữu cơ hay không. Người ta cũng có thể khám phá các cấu trúc sâu hơn được đặt tại địa phương trong các vị trí này. Ví dụ, [Bảo tàng Phân đoạn Ký ức] được đặt tại F7.B, trong [trang trại] F7 và một [chuồng chăn nuôi bọ chó] được xây dựng tại H4.4 trong [nhà] H4.

 

Hiện tôi đang sáng tác chuỗi tác phẩm tiếp theo thuộc My Land. Sê-ri mới này được gọi là [Viện Nghiên cứu Khoảng Cách], chứa khoảng tám bản đồ và ba tác phẩm điêu khắc.

[Viện Nghiên cứu Khoảng Cách] là một trung tâm nghiên cứu tưởng tượng có hình dạng một con tàu đang đi trên bề mặt của Biển Hữu (Right Sea) bao quanh tòa án mang tên [Cung điện tím] tại H2 trong lãnh thổ. Vì cấu trúc liên kết bề mặt của biển này là nghịch lý, vị trí của thuyền chỉ có thể được mô tả bằng xác suất. [Viện Nghiên cứu Khoảng Cách] phục vụ các nghiên cứu đo lường không gian. Nó tìm cách xây dựng một hình dung về thế giới bên ngoài Biển Hữu từ những hình ảnh thu nhận được từ đất liền.

Trong [Viện Nghiên cứu Khoảng Cách], có bốn Phòng thí nghiệm (Phòng Chiều dài, Phòng Quỹ đạo, Phòng Tiếng vọng, Phòng Lưu trữ) và hai Buồng Kĩ thuật (Động cơ vĩnh viễn, Ánh sáng vĩnh cửu). Chiếc thuyền đo khoảng cách bằng cách chiếu các tia sáng về đất liền và ghi lại phản xạ của chúng. Nhưng vì vị trí của chiếc thuyền chỉ được thể hiện bằng xác suất, nên chiếc thuyền không nằm trên một điểm, và do vậy các tia sáng từ nó truyền đi không di chuyển theo một đường thẳng. [Viện Nghiên cứu Khoảng Cách] vì vậy hiển thị hình dạng của thế giới khác với thế giới chúng ta thấy.

Billy Dufala và câu chuyện Residency trên bãi rác

Năm nay chương trình lưu trú RAIR tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania đã bước sang năm thứ 8. Đúng như tên gọi, RAIR không giống bất kì chương trình lưu trú nào ở nước Mỹ, và câu chuyện về nó cũng rất đặc biệt.

Screen Shot 2018-10-04 at 2.54.42 PM
Một tác phẩm của Ana Peñalba tại RAIR, nơi nghệ sĩ dùng những vật liệu phế thải để dựng lại những công trình tiêu biểu của Philadelphia.

Tôi biết đến RAIR nhờ cô giáo ở PAFA, Kaitlin Pomerantz, người dạy viết luận tiếng Anh tại cao học. Những lúc gặp Kaitlin có lẽ là những lúc vui nhất tại Mỹ. Kaitlin rất cởi mở, chúng tôi nói nhiều chuyện với nhau về văn hoá, nghệ thuật, đồ ăn, và những người hay ho xung quanh. Vì Kaitlin đã đi lưu trú tại RAIR, chị kể với tôi về Billy Dufala, người đã cùng với người em Steven xây dựng RAIR từ số không suốt 8 năm qua.

Billy Dufala vốn là một nhạc sĩ của nhóm experimental rock Man Man, nổi tiếng tại Mỹ tầm hơn chục năm trước. Khi đi đánh nhạc Billy có nghệ danh Chang Wang, chỉ khi sau này thôi ca hát, chuyển sang làm sắp đặt và dạy học, Billy mới quay về tên cha sinh mẹ đẻ. Do không xuất thân từ giới làm nghệ thuật thị giác, phong cách của Billy nhìn chung rất là dị, rất là RAIR. Tác phẩm của Billy có nét tinh nghịch cu te, và tôi cực kì thích vì nó khá là hàng hiếm nếu đặt trong bối cảnh nghệ thuật Mỹ hiện nay rất nặng chính trị.

Tôi được gặp Billy ngay trước khi cả hai cùng đi lưu trú 9 tuần tại Skowhegan. Ở Skowhegan tôi hay qua studio của Billy chơi. Billy lúc đó đang nghiên cứu chế ra một chiếc kim tự tháp bằng cứt hươu, mà theo anh có thể bảo quản thực phẩm.

Screen Shot 2018-10-04 at 3.33.08 PM
Billy và Steven Dufala thuyết trình về vai trò của khiếu hài hước trong văn hoá, tại diễn đàn TEDxPhoenixville, sự kiện TEDx đầu tiên tại Philadelphia.

Billy là một người thú vị và chân thành, đấy là hai thứ mà tôi rất thích ở một nghệ sĩ. Tôi biết rằng hồi chơi nhạc Billy cũng kiếm được nhiều tiền và rất được yêu thích. Nên trong một lần say rượu tại Skowhegan, tôi hỏi tại sao Billy thôi không chơi nhạc nữa chuyển sang làm thị giác. Billy trả lời: “Tao thích thì tao làm thôi!”. Với Billy nổi tiếng chỉ đem đến phiền phức, việc quan trọng hơn phải làm là đem những giấc mơ, trí tưởng tượng và khiếu hài hước của mình vào hiện thực cho mọi người thấy.

Và đó là cách mà Billy đã kiên trì xây dựng RAIR trong suốt 8 năm qua. RAIR (Recycled Artist in Residency) là một chương trình lưu trú nằm trong khu phế thải Đông Bắc Philadelphia. Ở RAIR, nghệ sĩ được làm việc với 450 tấn vật liệu phế thải đổ vào khu tái chế mỗi ngày. Số vật liệu này đến từ nội đô thành phố và có thể bao gồm rác thải xây dựng, đồ điện và đồ gia dụng linh tinh, không có rác sinh hoạt. Số rác này được sơ loại thành các đống khổng lồ cao 20m, sau đó sẽ được tiếp tục phân loại bằng máy xúc, và cuối cùng được tải lên băng chuyền và phân loại thủ công.

20180916_163200
Billy đang giới thiệu về khu vực rác phi kim tại RAIR.

Tại khu phân loại thủ công, rác sẽ được tải lên băng chuyền chậm qua một đội gồm 8 người chịu trách nhiệm nhặt nhạnh theo những tiêu chí khác nhau: rác kim loại, rác nhựa, rác thời trang, rác gia dụng v.v Trong 8 người, có một người là chuyên gia khảo cổ, đại loại chịu trách nhiệm nhặt những thứ bị nghi là quí giá chạy qua. Billy kể đã rất nhiều lần họ nhặt được vàng và nữ trang.

20180916_164225
Khu vực phân loại thủ công và xưởng nhiên liệu tái chế (phải leo lên thang, do điện thoại hết pin nên không chụp)

Sau khi được phân loại triệt để rác được đóng thành cục to và xếp chồng lên nhau để đem bán. Ngoài ra, khu tái chế này đã có ý định chế biến nhiên liệu sinh học từ rác bằng việc xây hẳn một xưởng cho việc sản xuất. Tuy nhiên sau khi Mỹ nghiên cứu được dầu đá phiến thì giá nguyên liệu tại Mỹ giảm, và chương trình bị bỏ dở tới tận bây giờ.

Billy chỉ quản lí RAIR, không quản lí khu tái chế, nhưng cả hai đều rất thích nhau. Billy đã đến đây làm tác phẩm và sự kiện, kiên trì xây dựng lòng tin và mối quan hệ trong nhiều năm với công ti quản lí bãi rác. Dần dần Khu lưu trú hình thành, nằm ngay cạnh khu văn phòng. Cho đến nay, RAIR đã có khu vực studio và văn phòng quản lí riêng, cùng với một xưởng gỗ và dàn máy móc hỗ trợ nghệ sĩ khi cần.

Do tính chất nguy hiểm của khu tái chế, nghệ sĩ phải lên kế hoạch kĩ với người hỗ trợ tại RAIR về tác phẩm mình muốn thực hiện, và phải luôn tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động. Khu tái chế tuy không nặng mùi nhưng rất bụi, nên việc vệ sinh đúng cách sau khi làm việc xong cần rất chú ý.

20180916_165532.jpg
Xưởng gỗ nằm trên tầng 2.

Nghệ sĩ đến với RAIR thường nghiên cứu khá kĩ chương trình và có kế hoạch làm tác phẩm tương đối cụ thể. Trong một biển rác có vô số những thứ hay ho mà nghệ sĩ có thể nhặt nhạnh làm điêu khắc hay sắp đặt. Có người tìm cách vẽ tranh bằng máy xúc, có người chơi cờ caro bằng máy cẩu, in tranh từ nước thải, hoặc làm nhà bằng rác. Những thứ đồ gia dụng tại bãi rác (phần lớn còn dùng được) có thể tận dụng làm điêu khắc. Trong quá trình thực hiện tác phẩm, nhân viên của RAIR sẽ hỗ trợ chụp hình, quay phim lại quá trình. Dự án của nghệ sĩ sẽ được lưu trên trang web của dự án để những người sau xem (và cũng là cách để chúng ta tham khảo những người đi trước).

RAIR tương đối tiện cho việc di chuyển từ New York hay từ Philadephia, đây là một điều thuận lợi cho nghệ sĩ quốc tế. Từ New York có thể bắt tàu từ Penn Station đi Philadephia qua Trenton, sau đó nhảy xuống giữa đường. Hoặc bắt tàu từ trạm 30th Str. Station từ trung tâm Philly lên. Việc di chuyển sẽ được hỗ trợ nhiệt tình bởi nhân viên RAIR đều không ngại đi xa đón người.

Từ năm nay trở đi, RAIR Philly được quỹ Andy Warhol tài trợ một khoản hào phóng. Mỗi nghệ sĩ được chọn sẽ được studio riêng, được hỗ trợ một phần chi phí nhà ở và đi lại, cùng với một khoản 600 đô la tiêu vặt. Hạn nộp hồ sợ năm nay 2018 là 31 tháng 10 cho việc lưu trú năm 2019. Các ứng viên trả từ 25 đô la đến 35 đô la cho một hồ sơ apply tuỳ vào thời điểm apply, càng chậm càng đắt. Một bộ hồ sơ bao gồm CV, statement và phác thảo ý tưởng cùng với 10 ảnh tác phẩm cũ. Đây là mức phí trung bình cho một bộ hồ sơ apply lưu trú tại Mỹ ở một chương trình tử tế được tổ chức tốt.

Từ cá tính và sự sáng tạo của một vài các nhân cho đến một mô hình đang bước đầu thành công, RAIR Philly cho tôi thấy sự khả thi về việc xây dựng một cơ sở nghệ thuật nằm trên một con đường nhánh, tức không phụ thuộc quá vào dòng chủ lưu của nghệ thuật đương đại. Và vì trên đường nhánh, nó đem lại nhiều bất ngờ và tươi mới hơn cho người xem.

Website: http://rairphilly.org